Những ngày qua, nhiều người ở Bắc Ninh và các địa phương lân cận
như "ngồi trên đống lửa" bởi vợ chồng Giám đốc Công ty Bất động sản Hải
Hà tuyên bố phá sản, vỡ nợ nhiều tỷ đồng.
Vợ chồng Giám
đốc Công ty Bất động sản Hải Hà là Nguyễn Thị Minh Tâm (50 tuổi) và
Nguyễn Chí Việt (55 tuổi), cùng trú tại khu biệt thự Đọ Xá, phường Ninh
Xá, TP Bắc Ninh.
Khi cặp vợ chồng lừa đảo này bị cơ quan Công an
khởi tố để điều tra, nhiều gia đình cho vay lâm vào cảnh bi đát, có nguy
cơ mất nhà cửa, gia đình tan nát... Vì sao cặp vợ chồng này có thể lừa
đảo số tiền lớn như vậy?
Chân dung cặp vợ chồng lừa đảo
Phải
nói rằng ít ai gặp may và "phất" nhanh như vợ chồng Tâm - Việt. Hai vợ
chồng này trở thành "đại gia" bất động sản có tiếng ở Bắc Ninh bắt nguồn
từ một việc hết sức tình cờ. Trước kia, Nguyễn Thị Minh Tâm là cán bộ
Ngân hàng Công thương Bắc Ninh, phụ trách mảng tín dụng, chuyên cho vay.
Chính vì vậy,trong số tài sản thế chấp Ngân hàng mà Tâm làm hồ sơ cho
vay, có một người không trả được nợ, đành phải gán nhà cho ngân hàng.
Tuy
nhiên, do ngôi nhà ở vị trí không đẹp, lại cũ kỹ nên khi ngân hàng phát
mại không có người mua. Vì phải chịu trách nhiệm cho khoản vay đó nên
Nguyễn Thị Minh Tâm đành bấm bụng vay mượn người quen để mua lại ngôi
nhà trên, trả vốn cho ngân hàng.
Mua nhà xong, Tâm đầu tư sửa
chữa rồi bán lại với giá cao khiến chị ta nhận thấy việc kiếm tiền từ
bất động sản khá thuận lợi nên tiếp tục tìm những ngôi nhà cũ, rẻ tiền
mua rồi sửa chữa bán lại kiếm lời. Từ việc này, Tâm trở nên quen dần với
bất động sản, tham gia mua đấu giá đất dự án rồi bán lại, hưởng chênh
lệch. Thời điểm đó, giá bất động sản tăng mạnh khiến Tâm nhanh chóng trở
nên giàu có.
Chính vì vậy, chị ta xin nghỉ hẳn việc ở ngân hàng
cùng chồng thành lập Công ty Bất động sản Hải Hà chuyên cung cấp các
dịch vụ như: kinh doanh bất động sản, chuyển quyền sử dụng đất thuộc chủ
sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê; tư vấn, môi giới, đấu giá bất động
sản (dịch vụ môi giới, định giá và sàn giao dịch bất động sản)…
Mục
tiêu mà vợ chồng Việt - Tâm đặt ra là sẽ đưa Công ty Bất động sản Hải
Hà dẫn đầu Bắc Ninh về lĩnh vực liên quan đến giao dịch bất động sản.
Chính vì vậy, đi đâu cặp vợ chồng này cũng khoe khoang công ty mình đang
đầu tư một số dự án rất lớn như: Trường mầm non tư thục, khách sạn Hải
Hà, siêu thị... với tổng số vốn đầu tư hơn 100 tỷ đồng.
Cũng từ sự giàu xổi này mà vợ chồng Tâm-Việt đã đổi đời thành các "đại
gia" tiêu tiền như nước, ở biệt thự sang trọng. Đặc biệt, để tỏ cho mọi
người thấy sự giàu sang, vợ chồng Tâm - Việt mua tới 7-8 chiếc ôtô hạng
sang, tiền tỷ xếp hàng dài ở công ty và nhà riêng khiến ai nhìn thấy
cũng choáng váng. Cũng chính vì sự "hoành tráng" trên mà cặp vợ chồng
này đã huy động được rất nhiều người cho vay với tổng số tiền hàng trăm
tỷ đồng mà không hề "lăn tăn".
Thủ đoạn lừa đảo tinh vi
Theo
con số chúng tôi nắm được thì thời điểm cao trào, vợ chồng Tâm - Việt
đã vay nợ với tổng dư nợ lên tới hơn 500 tỷ đồng. Với lãi suất
3.000đ/ngày/triệu, mỗi ngày Tâm phải trả hơn 1 tỷ đồng tiền lãi. Theo
đúng quy luật kinh tế thông thường, ít ai có thể kinh doanh gì để có lãi
"khủng" như vậy.
Chính vì vậy, việc vợ chồng Tâm - Việt vỡ nợ
gần như có thể dự báo trước. Thế nhưng, vì ham lãi suất cao lại thấy cơ
ngơi "hoành tráng" của Tâm - Việt nên nhiều người vẫn nhắm mắt cho vay,
thậm chí vay mượn của những người khác để cho vay lại kiếm lời. Đây cũng
chính là sơ hở mấu chốt dẫn đến việc cặp vợ chồng này có thể huy động
được hàng trăm tỷ đồng một cách dễ dàng.
Ngoài việc huy động vốn
bằng lãi suất cao, Tâm - Việt còn thực hiện các hành vi lừa đảo với
nhiều thủ đoạn như: một ngôi nhà, mảnh đất bán cho nhiều người bằng cách
mượn lại sổ đỏ để sang tên rồi bán cho người khác; hoặc công chứng sổ
đỏ rồi đem giấy công chứng đó bán cho nhiều người. Thậm chí, có trường
hợp, đối tượng bán nhà rồi nhưng lại nộp hồ sơ xin cấp lại sổ đỏ để tiếp
tục bán cho người khác.
Điển hình là trường hợp căn nhà số 68
đường Ngọc Hân Công Chúa ở khu Đọ Xá, TP Bắc Ninh. Tháng 6/2010, Tâm -
Việt bán ngôi nhà trên cho vợ chồng bà Vũ Thị Minh Hiền ở phường Vệ An,
TP Bắc Ninh với giá 3,85 tỷ đồng. Hai bên đã ký biên bản mua bán, vợ
chồng bà Hiền đã sửa sang và chuyển về ngôi nhà trên ở từ tháng 9/2010
đến nay.
Sau khi bán, Tâm đã nói với vợ chồng bà Hiền mượn lại sổ
đỏ để đi sang tên đồng thời viết giấy cam kết sang tên Giấy chứng nhận
quyền sử dụng đất cho vợ chồng bà Hiền. Vì Tâm là bạn học đồng thời cũng
có thời gian làm cùng ở Ngân hàng nên bà Hiền đã tin tưởng đưa lại sổ
đỏ cho Tâm mà không hề nghi ngờ gì.
Về phía Tâm, sau khi mượn lại
được sổ đỏ, lập tức đem bán cho chị Nguyễn Thị Việt Hoa ở phường Ninh
Xá, TP Bắc Ninh với giá 3 tỷ, đồng thời ra công chứng hợp đồng chuyển
nhượng quyền sử dụng đất ngôi nhà trên cho vợ chồng chị Hoa. Vợ chồng
chị Hoa đã làm thủ tục sang tên mình, được UBND TP Bắc Ninh cấp giấy
chứng nhận quyền sử dụng đất. Chỉ đến khi chị Hoa đến ngôi nhà vừa mua
mới phát hiện gia đình bà Hiền đã ở được hơn 1 năm.
Trường hợp
ông Ngô Minh Thắng còn bị Tâm - Việt lừa ngoạn mục hơn. Vốn đứng tên sở
hữu ngôi nhà 168 đường Trần Hưng Đạo, phường Tiền An, TP Bắc Ninh diện
tích 366m2, Tâm - Việt đã đem sổ đỏ photo công chứng cất đi, sau đó dùng
bản gốc thế chấp vay ngân hàng 8,2 tỷ đồng.
Thế chấp xong, Tâm -
Việt lại dùng bản công chứng sổ đỏ bán cho ông Thắng gần 13 tỷ đồng với
cam đoan nguồn gốc đất hợp pháp, không tranh chấp. Để làm tin cho ông
Thắng, Tâm nói rằng bản chính để ở nhà dưới Hà Nội nên chưa cho xem
được. Dù chỉ với bản sổ đỏ photo như vậy nhưng ông Thắng vẫn đồng ý mua
và đưa cho Tâm - Việt tới 7,85 tỷ đồng.
Sau khi đưa số tiền lớn
trên nhưng vẫn chưa nhìn thấy sổ đỏ chính đâu, ông Thắng lo lắng yêu cầu
vợ chồng Tâm cho xem bản chính sổ đỏ nhưng vợ chồng này đều khất lần,
sau đó mới "ngả bài" rằng, sổ đỏ đã thế chấp tại ngân hàng, nếu ông
Thắng muốn lấy thì phải trả thêm tiền để Tâm rút sổ từ ngân hàng. Trót
"đâm lao" nên ông Thắng đành tiếp tục vay mượn trả thêm cho vợ chồng Tâm
gần 2,6 tỷ nữa với mong muốn sẽ lấy được ngôi nhà. Không ngờ, vợ chồng
Tâm nhận thêm số tiền trên "bùng" luôn.
Trường hợp của chị Đặng
Thị Tiểu Hoa cũng tương tự như vậy. Vốn quen biết nên khi Tâm đưa sổ đỏ
ngôi nhà 165 phường Ngô Gia Tự, phường Vũ Ninh, TP Bắc Ninh mang tên Ngô
Tuấn Phương và giấy viết tay anh Phương bán cho Nguyễn Thị Minh Tâm -
Nguyễn Chí Việt, chị Hoa vẫn đồng ý mua với giá 3 tỷ đồng, hẹn 1 tháng
vợ chồng Tâm chuyển tên sổ đỏ sang cho vợ chồng chị Hoa.
Tuy
nhiên, đợi mãi không thấy Tâm đưa sổ đỏ, chị Hoa kiểm tra mới biết Tâm
không phải là chủ ngôi nhà trên, thực chất, chủ sở hữu là anh Ngô Tuấn
Phương, anh Phương đã bán cho anh Nguyễn Văn Trung và chị Nguyễn Thị
Thắm ở Từ Sơn, Bắc Ninh và họ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng
đất...
Bước đầu, Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV, Công an
tỉnh Bắc Ninh đã chứng minh được Nguyễn Thị Minh Tâm và Nguyễn Chí Việt
lừa đảo 3 người, chiếm đoạt hơn 16 tỷ đồng và đang tiếp tục điều tra,
làm rõ các trường hợp khác. Hiện, đã có hàng chục bị hại tố cáo đến cơ
quan Công an bị vợ chồng Tâm - Việt lừa đảo với số tiền hàng trăm tỷ
đồng.
Ngoài ra, có nhiều người khác, sau khi biết vợ chồng này vỡ
nợ đã âm thầm chấp nhận sự dại dột của mình không dám tố cáo bởi sợ bản
thân sẽ là con nợ tiếp theo vì số tiền cho vợ chồng này vay cũng đi vay
người khác để "ăn" chênh lệch. Qua vụ trên cho thấy, sở dĩ đối tượng
lừa chiếm đoạt được tiền do nhiều người quá hám lợi, cho vay với lãi
suất cao, có người lại quá sơ hở trong việc giao dịch mua bán dẫn đến
việc tiền mất, tật mang. Đây cũng chính là bài học đau xót cho nhiều
người.
Trung tá Đỗ Đình Tuấn, Đội trưởng Đội Hướng dẫn, điều tra
án kinh tế, tham nhũng, Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV, Công an
tỉnh Bắc Ninh cho biết: Sở dĩ Nguyễn Thị Minh Tâm và Nguyễn Chí Việt lừa
đảo được nhiều người bởi các bị hại có nhiều sơ hở trong việc mua bán,
vay mượn. Chính vì vậy để phòng ngừa các vụ lừa đảo tương tự, trước hết,
khi giao dịch mua bán, người mua cần tìm hiểu kỹ nguồn gốc đất, tài
sản; không được giao dịch khi bên bán chỉ có giấy photo công chứng sổ
đỏ.
Sau khi mua nhà, đất phải đến cơ quan có thẩm quyền chứng
thực việc mua bán, làm sang tên ngay, không nên cho người bán mượn lại
giấy tờ dẫn đến việc phức tạp sau này. Đối với đất dự án, phải đọc kỹ
xem hợp đồng được lập thành bao nhiêu bản, mỗi bên giữ mấy bản (có
trường hợp chủ dự án cấp 2 - 3 bản hợp đồng cho 1 lô đất, sau đó Tâm đem
bán cho 2 - 3 người).
Đặc biệt, cần làm rõ trách nhiệm của các
cán bộ cơ sở bởi theo quy định ở Bắc Ninh, muốn sang tên Giấy chứng nhận
quyền sử dụng đất thì phải có xác nhận của chính quyền địa phương và
hàng xóm giáp ranh nhưng trường hợp ngôi nhà 68 Ngọc Hân Công Chúa, gia
đình chị Hiền đã ở được khoảng 1 năm nhưng chính quyền vẫn xác nhận để
Tâm bán cho chị Việt Hoa).
Đặc biệt, mọi người không nên cho vay
lấy lãi suất cao bởi đây thường là cái bẫy của đối tượng, nhằm dụ nạn
nhân. Trước khi cho vay, cần tìm hiểu kỹ đối tượng dùng tiền đầu tư vào
việc gì, ở đâu, có mang lại lợi nhuận để trả lãi suất hay không. Tuyệt
đối không vì ham lãi suất cao sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường.
Chị
Đặng Thị T.H. - một trong những bị hại của vợ chồng Tâm - Việt: "Gia
đình em tan nát hết". Chị Tâm vốn là bạn chị gái em nên chơi thân với
gia đình em, thường coi em là em kết nghĩa. Bản thân chị ấy có quen biết
rộng, có nhiều tài sản nên em luôn tin tưởng chị ấy làm ăn chính đáng.
Chính vì vậy, khi chị ấy bán nhà, chỉ đưa sổ đỏ tên người khác và nói
rằng ngôi nhà đó là của chị ấy, em vẫn tin, đồng ý mua lại, với mong
muốn chị ấy sẽ sang tên trực tiếp từ chủ cũ sang tên em luôn.
Cùng
với việc mua nhà, em còn tin tưởng cho chị Tâm mượn cả sổ đỏ nhà em
đang ở để chị ấy thế chấp vay gần 4 tỷ mà không hề lấy lãi đồng nào vì
chị Tâm hứa sẽ cho em đứng tên vào Công ty Bất động sản Hải Hà để em
chứng minh tài chính bảo đảm cho con đi du học. Bây giờ, con em đã làm
thủ tục xong rồi, không đi học được, tiền mất, nhà cũng có nguy cơ bị
siết nợ, em không biết sẽ sống ra sao...
Tác giả: Phương Thủy-Thu Hòa (Theo CAND)