Kết quả kiểm tra việc quản lý, sử dụng vốn tại một số dự án do Tổng công ty Sông Đà làm chủ đầu tư cho thấy: vào ngày 25/6/2004, Thủ tướng đã ban hành quyết định số 885/CP-CN giao cho Tổng công ty Sông Đà làm chủ đầu tư dự án khu đô thị mới Nam An Khánh tại huyện Hoài Đức, Hà Tây (cũ).
Tuy nhiên, đến tháng 7/2006, Hội đồng quản trị của doanh nghiệp này đã ban hành nghị quyết phê duyệt hợp đồng chuyển giao dự án. Theo đó, Tổng công ty Sông Đà và Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển khu đô thị và khu công nghiệp Sông Đà đã ký hợp đồng chuyển nhượng dự án nêu trên (không có hạ tầng, không có văn bản báo cáo các cơ quan liên quan và phê duyệt của Thủ tướng) với giá trị chuyển nhượng là 155 tỷ đồng.
Theo Thanh tra Chính phủ, việc chuyển nhượng dự án trên đã vi phạm quy định tại khoản 8, điều 2, Nghị định 17/2006 của Chính phủ và trái với nội dung của tờ trình của Bộ Xây dựng cũng như ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Với kết quả nêu trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Xây dựng có văn bản yêu cầu Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển khu đô thị và khu công nghiệp Sông Đà tạm dừng việc triển khai dự án khu đô thị mới Nam An Khánh, chờ ý kiến xử lý của Thủ tướng.
Trong một diễn biến khác mới đây ngày
24/9/2011 vừa qua, Chủ tịch hội đồng quản trị của công ty Sudico quyết
định thay Tổng giám đốc, ông Vi Việt Dũng Tổng và người thay ông
Dũng là ông Ngô Vĩnh Khương.
Việc thay Tổng giám đốc ở Sudico đã gây
“sóng gió”. Tập đoàn Sông Đà – công ty mẹ của Sudico lên tiếng phản đối
mạnh mẽ. Trong một công văn gửi cách đây mới đây gửi cho Bộ trưởng bộ
Xây dựng, Tổng giám đốc tập đoàn Sông Đà báo cáo rằng, việc thay đổi này
trái quy định về nghĩa vụ của người đại diện phần vốn nhà nước tại
doanh nghiệp khác theo quy định trong điều lệ tập đoàn Sông Đà và quy
chế quản lý người đại diện phần vốn tập đoàn hiện hành.
Bởi vì,
ông chủ tịch hội đồng quản trị Sudico – tổ trưởng nhóm đại diện phần vốn
của tập đoàn tại Sudico – khi quyết định thay ông Vi Việt Dũng không hề
xin ý kiến và chưa được tập đoàn chấp thuận bằng văn bản, trong khi ông
Vi Việt Dũng, người bị thay thế, cũng là người đại diện phần vốn của
tập đoàn tại Sudico.
Nhưng ở đây, còn có câu chuyện, tỷ lệ sở
hữu vốn của Nhà nước tại Sudico đã bị sút giảm mạnh. Vốn điều lệ của
Sudico là 1.000 tỉ đồng và tỷ lệ sở hữu vốn mà tập đoàn Sông Đà có tại
đây là 36,3%. Nhưng mới đây, sau khi hồ sơ xin cấp lại giấy chứng nhận
đăng ký kinh doanh để đổi tên người đại diện theo pháp luật cho Sudico
từ ông Vi Việt Dũng sang ông Ngô Vĩnh Khương, tỷ lệ phần trăm cổ phiếu
của tập đoàn Sông Đà – cổ đông sáng lập tại Sudico đã bị giảm xuống, chỉ
còn 20,4%.
Do đó, có thể nói đây là một cuộc chuyển động nhân sự khá
bất thường, đòi hỏi cơ quan chức năng vào kiểm tra, xem xét để bảo vệ
đầy đủ quyền lợi hợp pháp của cổ đông, tránh những diễn biến vô nguyên
tắc, vô tổ chức có thể dẫn tới những hành vi vi phạm pháp luật một cách
nghiêm trọng trong thời gian tới, để Sudico ổn định, thống nhất, sản
xuất – kinh doanh có hiệu quả cao.
Tổng hợp từ Sài Gòn Tiếp Thị, Tuổi Trẻ.